Làn sóng hủy diệt sáng tạo đã bắt đầu với các công ty chứng khoán?
Đây có thể sẽ mở đầu cho "làn sóng" đóng cửa của các công ty chứng khoán yếu kém trong số 105 công ty chứng khoán hiện nay ở Việt Nam. Tuy không có mục tiêu cụ thể song thị trường có thể thanh lọc tới 70% các công ty đang tồn tại.
Âu Việt và Chợ Lớn là 2 công ty chứng khoán đầu tiên chủ động rời khỏi thị trường.
Những tháng đầu năm 2013, giữa lúc thị trường chứng khoán bước đầu có tín hiệu tăng trưởng trở lại thì nhà đầu tư lại liên tiếp nhận được thông tin xin giải thể từ Chứng khoán Âu Việt (AVS) và ngay sau đó là Chứng khoán Chợ Lớn (CLS).
Chuyện giải thể của các công ty chứng khoán giữa bối cảnh Ủy ban Chứng khoán ra chủ trương tái cơ cấu thị trường này, đồng thời siết chặt việc cấp mới giấy phép kinh doanh thì tờ giấy phép như một "sức mạnh vô hình" níu kéo các ông chủ bám trụ lại, chờ cơ hội hoặc lên phương án chuyển nhượng, bán giấy phép.
Do vậy, dù đánh giá đào thải là một tất yếu, không thể tránh khỏi nhưng hầu hết các chuyên gia tài chính đều nhận định, việc thoái lui không phải dễ, nhất là khi sự biến mất của các công ty chứng khoán liên quan đến nhiều vấn đề "dích dắc" khác, trong đó có đảm bảo an toàn tài chính cho nhà đầu tư.
Thế nên, việc liên tiếp AVS và CLS xin giải thể có thể coi là những bất ngờ.
Hồi đầu tháng Giêng, lên tiếng trước báo chí, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch AVS cho biết, ông đã "nghĩ rất kỹ và không hề nuối tiếc" với quyết định này dù thị trường đang khởi sắc trở lại khi công ty không còn "duyên làm chứng khoán" nữa cũng như không cạnh tranh nổi với những công ty lớn hơn.
Trong tờ trình dự kiến công bố cho cổ đông tại Đại hội cổ đông sắp tới, AVS cho biết, sau khi được chấp thuận tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên tại hai Sở HSX, HNX và Trung tâm lưu ký, trong bối cảnh hiện tại, nghiệp vụ môi giới của công ty không đáp ứng được nhu cầu thu bù chi, trong khi các loại phí vận hành và đầu tư nâng cấp hệ thống giao dịch tăng cao.
Vì vậy, việc mở lại hoạt động môi giới chứng khoán cùng nghiệp vụ lưu ký trong tương lai, theo AVS, là không cần thiết.
Đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, từ ngày thành lập công ty (năm 2007) đến nay, hầu như không hoạt động được và cũng không phù hợp với mô hình hoạt động của công ty trong tương lai.
Về nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán thì nếu không còn hoạt động nghiệp vụ môi giới, nghiệp vụ lưu ký thì việc duy trì nghiệp vụ này sẽ không hiệu quả.
Lãnh đạo công ty thẳng thắn với cổ đông: nhận thấy việc duy trì các hoạt động kinh doanh của công ty là không hiệu quả, HĐQT AVS đề xuất giải thể công ty, thanh lý tài sản và trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX.
Bên cạnh đó, HĐQT AVS cũng trình ĐHCĐ chỉ giữ lại nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, xin rút các nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành, lưu ký và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Điều đáng lưu ý là, trong năm 2013, AVS dự kiến lãi gần 8,4 tỷ đồng sau nhiều năm làm ăn bê bết: Năm 2008, một năm sau thành lập, công ty lỗ thảm hại hơn 172 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ hơn 40 tỷ và tiếp tục lỗ hơn 10,56 tỷ đồng vào năm 2012. Đến cuối năm vừa rồi, lỗ lũy kế đang hơn 151 tỷ đồng.
Đến nay, AVS còn chưa tới 100 tỷ đồng vốn điều lệ (chưa bằng 1/3 vốn lúc thành lập).
Về phía CLS, sau 3 năm làm ăn thua lỗ, công ty dự tính, trong ĐHCĐ thường niên vào cuối tháng này, HĐQT cũng sẽ thông qua một loạt quyết định bao gồm rút nghiệp vụ môi giới, lưu ký, tư vấn đầu tư chứng khoán và chấm dứt tư cách thành viên trên HSX cũng như HNX, hủy giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCOM. Qua đó, CLS mong muốn có thể thanh lý tài sản, giải thể công ty.
Trước đó, trong 3 năm liên tiếp từ 2010 đến 2012, CLS đều thua lỗ: năm 2010 lỗ 5,53 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 13,85 tỷ đồng và đến 2012 mức lỗ ở mức 2,06 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm hiện tại lên tới 48,78 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 90 tỷ đồng.
Chưa tính đến câu chuyện giải thể thì trong vòng 3 tháng gần đây đã có 5 công ty xin chấm dứt tư cách thành viên tự nguyện trên 2 sở: Sao Việt (SVS), Liệt Việt (LVS), An Phát (APG) và Âu Việt (AVS), Chợ Lớn (CLS).
Không khó để thấy tình trạng tồn tại leo lắt của hàng chục công ty chứng khoán nhỏ trên thị trường hiện nay. Song thực tế, việc giải thể công ty chứng khoán có những đặc thù khác với doanh nghiệp thông thường. Chỉ các công ty không có nợ nhiều và đủ khả năng trả nợ mới có quyền tuyên bố giải thể. Trong khi đó, đa phần các công ty chứng khoán nhỏ hiện nay đều vướng phải nợ khó đòi, nợ có nguy cơ mất vốn, việc tuyên bố giải thể không phải là đơn giản nếu không thực hiện nghĩa vụ nợ.
Giải thể - hay tệ hơn là phá sản, không phải là điều hiếm thấy trong bối cảnh hiện nay, khi mỗi một tháng, cơ quan thống kê lại đưa ra con số hàng nghìn doanh nghiệp buộc đóng cửa trên cả nước, lĩnh vực chứng khoán cũng không ngoại lệ.
Nói về phá sản, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong bản tin số 7 từng đề cập đến khái niệm "sự hủy diệt tích cực" (constructive destruction), theo đó, phá sản là một điều tất yếu diễn ra trong quán trình tái cơ cấu, trong đó các doanh nghiệp kém hiệu quả sẽ phải phá sản để tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp hiệu quả.
Hay như, chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh cũng đã có lần “cắt nghĩa”: Trong kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo, việc “thay ngôi đổi chủ” sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục lại và phát triển. Và phá sản không phải là ngày tận thế mà phải nhìn nhận đó là cơ hội để vươn lên.
Theo: Dân Trí